Trong thời đại cạnh tranh toàn cầu, văn hóa doanh nghiệp được xem là thứ vũ khí hữu hiệu giúp các doanh nghiệp khẳng định mình, phát triển bền vững và dễ dàng vươn ra thị trường thế giới. Vậy cụ thể thì vai trò của văn hóa doanh nghiệp là gì?

Văn hóa doanh nghiệp là gì?
Văn hóa nói chung thường tồn tại trong một phạm vi nhất định. Ví dụ như văn hóa gia đình hay văn hóa dân tộc. Vì thế, trong phạm vi một tổ chức, một doanh nghiệp hay một hội nhóm thì văn hóa cũng sẽ tồn tại.
Có thể hiểu văn hóa doanh nghiệp (VHDN) chính là tập hợp những giá trị, chuẩn mực về niềm tin, hành vi mà doanh nghiệp gây dựng được trong suốt quá trình phát triển. Nó đã trở thành những quy tắc, tập quán quen thuộc đối với doanh nghiệp. Chính vì vậy nên nó ảnh hưởng trực tiếp tới hành động cũng như cách suy nghĩ của mọi nhân viên. Việc xây dựng VHDN sẽ quyết định được sự thành hay bại, tồn tại lâu dài hay thoáng chốc.
Vai trò của văn hóa doanh nghiệp
Các nhà nghiên cứu cho rằng văn hóa ảnh hưởng tới hầu hết các khía cạnh của một doanh nghiệp. VHDN giống như một chiếc la bàn. Nó giúp doanh nghiệp định hướng được đường đi, hướng phát triển rõ ràng.
1. Dễ dàng thu hút nhân tài
Người ta thường nói “nước chảy chỗ trũng, người tìm chỗ cao”. Những doanh nghiệp sở hữu văn hóa tích cực, chính sách tốt sẽ dễ dàng thu hút được người tài. Nhất là khi thế hệ gen Z (những người sinh năm 1998 trở đi) trở thành lực lượng lao động chính. Họ thường quan tâm về môi trường phát triển hơn lợi ích công việc.
2. Có được sự gắn bó của đội ngũ nhân viên
Tất nhiên, với một hệ văn hóa tích cực, sẽ không một nhân viên nào muốn rời bỏ doanh nghiệp của bạn. Khi nhân viên cống hiến, tận tụy và nhận về được sự khen thưởng xứng đáng, họ cảm thấy được công nhận, được quan tâm và sẽ tiếp tục cống hiến cho doanh nghiệp.
Chính đội ngũ nhân viên lâu năm này làm cho VHDN được thể hiện rõ nét hơn bao giờ hết. Họ lại là nguồn lực đi phổ biến văn hóa doanh nghiệp của bạn ra rộng hơn.
3. Xây dựng mối quan hệ bền vững với khách hàng, đối tác
Không chỉ thu hút, giữ chân được nhân viên mà VHDN còn giúp duy trì được mối quan hệ bền vững với khách hàng, đối tác. Họ cảm nhận được sự tin tưởng, thậm chí là đồng cảm với những giá trị của doanh nghiệp. Khi đó, mối quan hệ hợp tác làm ăn có thể trở nên gần gũi hơn.
4. Hạn chế được xung đột trong doanh nghiệp
VHDN giống một bản lề để mọi nhân viên trong doanh nghiệp hành xử theo. Vì thế, nó sẽ hạn chế được việc xung đột về cách hành xử. Trong trường hợp có xung đột thì văn hóa sẽ là yếu tố giúp mọi người nhìn nhận lại và thống nhất.
5. Tăng hiệu suất làm việc của đội ngũ nhân viên
Khi đội ngũ nhân viên nhận thấy mình đang làm việc cho một sứ mệnh chung. Họ sẽ cảm thấy hãnh diện, có động lực để hoàn thành công việc tốt nhất. VHDN giúp đội ngũ cảm thấy tự hào, an tâm khi gắn bó với doanh nghiệp.
6. Duy trì lợi thế cạnh tranh
Khi có một đội ngũ nhân tài, ít xung đột, hiệu suất làm việc cao thì doanh nghiệp sẽ duy trì được lợi thế cạnh tranh một cách hiệu quả. Lợi thế cạnh tranh sẽ giúp doanh nghiệp có một vị trí nhất định trên thị trường.
Lời kết
Văn hóa doanh nghiệp chính là linh hồn của doanh nghiệp. Nó phản ánh chính giá trị và tầm nhìn của người lãnh đạo. Và hơn hết, nó giúp doanh nghiệp tạo được bản sắc riêng trên thị trường. Vậy nếu là một người lãnh đạo, bạn muốn làm gì ngay bây giờ?